Bạn cũ
Trong đời mỗi con người chúng ta, mỗi giai đoạn của cuộc đời mình có những người bạn. Trong đó cónhững người bạn mà mình cảm thấy thân thương vàgần gũi cho đến nỗi mình tưởng chừng như không cógì làm thay đổi tình bạn bất diệt. Cuộc sống đổi thay, mình lại « mất đi » những người bạn đó, không bao giờ mình có ý nghĩ được gặp lại. Những vui buồn cũng bị che lấp đi bởi bụi thời gian hay được xếp vào ngăn tủ của quá khứ.
Theo quá trình của cuộc sống mình có cơ hội để làm quen với những người bạn mới và mỗi người ít nhiều đều lưu lại trong lòng ta những kỷ niệm.
Tôi không nhớ người bạn đầu tiên của mình là ai vàcũng không nhớ làm sao mình quen với những người bạn đó và những kỷ niệm đó như thế nào ?
Và tôi cũng không nhớ lúc nào, và vào lứa tuổi nào mình nhận thức được thế nào là tình bạn ?
Có lẽ người bạn đầu tiên trong đời tôi gắn liền với quảng đời thời thơ ấu ở tỉnh Vĩnh Long. Chung quanh đất nhà, bên cạnh căn nhà lớn có nhiều căn nhà nho nhỏ cho thuê. Bên hông nhà, cạnh nhà bếp, có gia đình ông bà Bảy X. Cháu của bà Bảy là người bạn đầu tiên của tôi, NT. Có lẽ vì chúng tôi cùng lứa tuổi ? Tình bạn không biết bắt đầu từ lúc nào nhưng đến năm tôi được sáu tuổi, cả gia đình dọn lên Sài Gòn.
Bỗng chốc phải rời tỉnh lẻ, nơi dành cho chúng tôi nhiều kỷ niệm êm đềm với căn nhà thật rộng với vườn trầu, với mảnh vườn khá rộng. Bà cố tôi trồng nào là mận hồng đào, nhãn dầy cơm mọng nước ngọt liệm. Vào mùa nhãn chín, trái rụng đầy sân, anh em tôi thường thức dậy sớm để lượm những trái nhãn thơm phức. Dọc theo hàng rào, có thêm cây « lê ku ma », trái to vàng chín. Khi ăn vào tựa như khoai lang bí. Cây « sa bô chê », trái nhỏ và rất ngọt nhưng hột có gai nhọn, khi ăn phải cẩn thận vì nuốt vào thìphải đi nhà thương. Còn bông hoa thì nhiều màu sắc, nào là dàn bông giấy, bông « chuối ». Tôi cũng không hiểu sao gọi là bông chuối ? Và còn nhiều loại bông khác mà tôi chỉ còn nhớ lờ mờ trong ký ức. Chưa kểsau nhà, có dàn dây « tóc tiên », là một loại dây leo, có lá nhỏ, mỏng manh có lẽ tựa như sợi tóc ? Cây này cũng cho ta những bông hoa đo đỏ và mong manh như « tóc tiên » vậy. Bên cạnh đó còn có dàn « mồng tơi » loại lá ăn nhơn nhớt, thường nấu canh với là rau dền. Hai thứ lá nấu chung với trái mướp khía. Canh này tôi còn nhớ gọi là canh « rau tập tàng ». Tôi cũng vẫn không hiểu tại sao lại có tên như vậy ? Từ sau nhà ra đến nhà vệ sinh có con đường nhỏ, gặp mưa thì chân phải dẫm lên sình lầy lội. Để cho dễ đi, tôi còn nhớ có một miếng ván bắt ngang qua. Dọc theocon đường nhỏ hẹp mà không hiểu ai trồng mọc lên hai cây « chùm ruột ». Tại sao có tên là « chùm ruột » ? Người Việt mình thường đặt tên rất là« tượng hình ». Cây cho ra những trái nho nhỏ, màu vàng tươi khi trái chín, vị chua thật chua. Trái này kết lại thành từng chùm. Trái chùm ruột, làm mứt rất ngon. Đây cũng là loại mứt đầu tiên mà tôi biết làm vào lúc mười tuổi. Vì mỗi lần có dịp trở về Vĩnh Long vào những dịp nghỉ hè, tôi cùng với cô bạn hàng xóm, NT, chúng tôi ra sân hái đầy rỗ để làm mứt. Đối với chúng tôi, làm mứt chùm ruột như một trò chơi, để vài trái vào giữa hai tấm thớt bằng gỗ, xoay vòng nhẹ và đều tay để cho trái dập nhưng không bể. Ngâm nước muối một đêm. Sáng hôm sau, xả nước lạnh cho hết chất mặn. Vắt ráo, lường bao nhiêu chén « chùm ruột » thì bấy nhiêu đường, cho vào nồi, để qua đêm cho đường thấm tươm đều. Sau đó cho lên bếp để lửa riu riu, và phải canh chừng, thỉnh thoảng lại lấy đũa đảo nhẹ. Khi nào thấy đường sến lại thành chỉ là xong. Đem ra phơi một nắng. Chùm ruột còn giữ lại một chút vị chua, màu vàng ánh của trái tươi nay trở thành màu đường « caramel », vị chua và ngọt hòa cùng nhau thành một vị mà mình khó tả bằng lời. Sau này lớn lên mỗi lần NT có dịp lên Sài Gòn đều làm quà cho tôi bằng món này. Không có mứt chùm ruột nào ngon bằng mứt mà chúng tôi làm chung với nhau. Có phải chăng, những món ăn thêm hương vị là nhờ vào tình bạn, nhờ vào cây trái trong vườn nhà ?
Rời căn nhà rộng lớn để dọn đến căn phố nhỏ ở khu chợ Vườn Chuối, đường Phan đình Phùng. Thời gian ở đây rất ngắn, ngày đầu đi học lớp một ở trường Bàn Cờ, tôi rất buồn và cảm thấy mình lạc lỏng, tôi cũng không nhớ là mình học ở đây bao lâu và bạn là ai ? Tôi chỉ nhớ mang máng là có một cô bạn học tên làD. cô này có cái miệng móm, tóc dài thắt thành hai bím dài.
Nơì đây tôi không có người bạn nào gọi là để lưu lại kỷ niệm, có lẽ vì còn quá nhỏ hay vì thởi gian ở đây quá ngắn ? Cả ngày chỉ quanh quẩn trong căn phốhẹp. Những ngày hè dài đăng đẳng, ngoại thường dạy tôi thêu thùa may vá cho dù tôi chỉ mới có sáu tuổi thôi. Ngoại hay để những chồng áo bà ba, áo túi của ngoại đã sờn, ngoại dạy cho tôi và để khi nào có dịp về Vĩnh Long cho một bà « ăn xin ». Tôi còn nhớhình ảnh một bà cụ già, lưng còng, với cây gậy. Không biết bà có con cháu và nhà cửa ở đâu, nhưng mỗi lần ngoại trở về Vĩnh Long thì bà hay chống gậy đến, lấy mớ quần áo đã vá và nhận một ít tiền của ngoại cho bà cùng với những bữa cơm. Ngoài ra còn có ông Chín, không biết ông tên gì, nhà cửa ở đâu, mọi người đặt cho ông là « ông Chín Khùng » vì ông cứ cười và luôn miệng nói vừa nhảy múa « tà rùng tùng xèng » để làm trò. Ông hay mặc bộ đồ vải đen, trên đầu có vấn khăn. Tôi chỉ thấy ông mỗi lần « bàHai » ở Sài Gòn về, Ngoại luôn luôn giúp đỡ tiền bạc cho ông và cho ăn uống đầy đủ. Mỗi lần trở về, ngoại hay kêu gánh chè tàu hủ nước đường với mùi gừng thơm hoặc gánh cơm rưọu với những viên cơm rượu trắng bóc và thật thơm nồng mùi rượu hoặc gánh chèđậu trắng mềm tan trộn lẫn với nếp nấu nhừ, chan lên trên nước cốt dừa. Mỗi lần như vậy thì tất cả những đưa trẻ hàng xóm mỗi đứa đều được một chén, mấy anh em tôi cũng chỉ được một chén thôi.
Rời căn phố nhỏ ở đường Phan đình Phùng dọn đến căn nhà ở Tân định, lúc đó lại dời trường giữa niên học, má tôi phải đấu tranh với bà Hiệu trưởng để cho hai chị em tôi có được chỗ để tiếp tục năm học bằng cách mỗi lần đi học hai chị em tôi mỗi người phải ôm theo chiếc ghế xếp dể một góc lớp học cho hết niên học. May mắn cô giáo sắp xếp cho chúng tôi có chỗngồi cùng với các bạn trong thời gian rất ngắn. Tôi nhớ má tôi lúc nào cũng một mình giải quyết cho con cái từ chuyện học hành cho đến ăn mặc, giải trí. Hình ảnh này lúc nào cũng ghi trong tâm khảm của tôi vàlớn lên tôi thấy rằng chuyện người mẹ lo cho con mình gần như là điều hiển nhiên và rồi tôi cũng đi vào con đường của má tôi, cũng lại một thân một mình trong việc nuôi nấng và dạy dỗ con cái.
Má tôi là người mẹ luôn luôn âm thầm nuôi con, không bao giờ kể công hay than thở. Một người mẹhi sinh âm thầm cũng như ngoại tôi, một mình nuôi ba người con sau ngày ông bà ngoại tôi li dị. Không bao giờ nghe ngoại tôi kể lại những quảng đời quákhứ của mình, và tôi cũng không hiểu sao mình không bao giờ thắc mắc để tìm hiểu. Những gì tôi biết về cuộc sống tình cảm của ngoại hay má tôi chỉlà những mảnh « puzzel » chấp nối lại với nhau. Cólẽ đó là cách giáo dục của thời đó chăng ?
Căn nhà ở Tân định là nơi mà anh em chúng tôi lớn lên, là nơi ghi lại cho tôi nhiều kỷ niệm và cũng lànơi giúp cho tôi nối liền lại với những kỷ niệm của thời thơ ấu ở tỉnh Vĩnh Long. Cũng chính nơi đây tôi có hai người bạn thân, đó là cô bạn hàng xóm, HT vàbạn học cùng lớp trong suốt bảy năm trời ở trường trung học, K.Y. Sau khi lập gia đình tôi rời khỏi căn nhà này và bắt đầu cuộc sống tự lập, những người bạn thân kia, dần dần tôi không còn liên lạc vì không cùng hướng đi. HT thì đi du học ở Pháp, KY thì tiếp tục học đại học. Mặc cảm vì chuyện học dở dang vàphải làm việc để mưu sinh, nên tôi tự tách mình ra khỏi nhóm bạn. Sau khi có bằng Trung học, chúng tôi có nhóm bạn nhỏ, vừa thuộc loại học khá, vừa lại theo thởi « à la mode », chúng tôi tự đặt tên cho nhóm của mình là « Les jeunes filles mystérieuses et dangereuses ». Người trưởng nhóm là cô bạn lanh lợi hơn, trên cổ áo dài có thêu dấu thập đỏ, còn các bạn của nhóm thêu dấu thập màu xanh. Đó là giai đoạn của tuổi « dậy thì », tạo cho mình có ảo tưởng là« mystérieuses » nhưng thật ra chỉ là những cô gái nhỏ nhắn, xinh xinh và cũng thích có « bồ » (bạn trai) gọi là « chịu chơi ».
Với HT, tôi có nhiều kỷ niệm dễ thương. Tôi còn nhớ, chúng tôi tuy không học cùng trường nhưng mỗi mùa hè, HT và tôi có thú vui là đi hái hoa và bắt bướm ở những khu có những căn biệt thự với những khu vườn đầy hoa, ong bướm dập dìu. Chúng tôi làm vợt bắt bướm, « ăn cắp hoa » và nhiều lúc bị rượt bắt, nhưng may mà chúng tôi luôn nhanh chân trốn chạy. Ngoài ra mỗi buổi sáng chúng tôi thả bộ từ nhà, đi dọc theo những con đường ở những khu nhà giàu nhưđường Đặng Dung, Đặng Tất, tẻ ra đường Trần Quang Khải, ở đây có tiệm cho mướn sách. Hai đứa tôi mỗi đứa mướn ít nhất là hai quyển. HT thì ưa đọc Tam Quốc Chí, Thủy Hử…còn tôi thì thích đọc những tác giả của Tự lực văn đoàn, bà Tùng Long hoặc ông Hồ Biểu Chánh. Mỗi buổi sáng mỗi đứa mua một trái bắp luộc, lãi ra từng hột, bỏ trong túi áo, vừa đọc sách, tay bóc từng hột để kéo dài hương vịcủa bắp luộc. Để gọi là vừa chơi vừa học, chúng tôi đã « sáng chế » ra trò chơi « ôn vocabulaires » lúc đóvào năm 1960. Nhà HT có tấm bảng rất rộng. Tấm bảng được chia ra làm hai. Mỗi đứa viết mười chữtiếng Pháp, rồi đổi nhau điền nghĩa tiếng Việt. HT học chương trình Pháp nên số vốn từ ngữ lúc nào cũng nhiều hơn tôi. Trò chơi thứ nhì, mỗi đứa viết một chữ (lettre) lên bảng rồi đứa thứ nhì viết chữ kếtiếp cho đến khi thàng một « mot » có nghĩa. Tròchơi này cũng tương tự như chương trình « Chiffres et Lettres » của Pháp hiện nay ? Dù học chương trình Việt, nhưng vì lòng tự ái không muốn thu kém bạn,tôi để dành tiền ra tiệm sách Khai Trí, mua sách học thêm nhờ vậy khi vào trường Trung học tôi được khávề môn Pháp văn ? Tình bạn bè của lứa tuổi mười hai, chưa có những điều tâm sự, chưa có những chia sẻ về những tình yêu nhưng đầy ấp những trò chơi lành mạnh. Thường thì khoảng tám giờ tối, tôi không được ra ngoài chơì, vì vậy HT không thể nhận chuông để réo gọi, chúng tôi mới nghĩ ra cách là« huýt gió » để báo hiệu. Mỗi lần như vậy chúng tôi xuất hiện ở khung cửa sổ để tiếp tục chuyện trò hoặchẹn chương trình của ngày hôm sau.
Năm mười hai tuổi vừa thi đậu vào đệ thất, HT đậu vào trường Trưng Vương, tôi vào trường Gia Long. Nhưng lúc đó thì HT dọn đi ở nơi khác ? Thế là tôi mất đi người bạn.
Nơi trường Gia Long, trong suốt bảy năm trời dưới ngôi trường thân yêu, bảy năm có đôi lúc mình thấy như dài đăng đẳng khi gặp phải những môn học khó, học kém hoặc thầy nghiêm khắc. Nhưng khi rời khỏi mái trường để lăn mình vào cuộc sống, chắc ai cũng không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối những giờ học màthầy cô truyền đạt cho mình những kiến thức và đó lànền tảng để giúp cho mình được mở rộng hiểu biếtsau này.
Trong suốt bảy năm trung học, mỗi người đều cóđược ít nhất một người « bạn thân ». Định nghĩa thếnào là bạn thân ? Tôi cũng không biết nói thế nào cho đúng. Tôi chỉ nhớ năm đệ lục, tôi được xếp gần K.Y. Ngày xưa vào đầu niên học mỗi năm mỗi học sinh người tự tìm chỗ cho mình nhưng tùy theo dáng dấp, cao thấp mà giáo sư có thể can thiệp để đổi chỗ ngồi. Từ năm đầu tiên, lớp đệ thất cho đến lớp đệ tứ, chúng tôi cũng lúc nào cũng có dịp ngồi gần nhau. Trau đổi kinh nghiệm, giúp nhau dò bài trong những kỳ thi. Dù thân nhau, cũng có ý giúp nhau cùng tiến nhưng đồng thời cũng có sự cạnh tranh về điểm. Cũng năm nay, nhóm bạn « les Jeunes Filles… » bắt đầu thành hình. Đến lớp đệ tam, dường như chỉ có tôi ghi danh học ban C (ban Văn chương), các bạn trong nhóm nộp đơn đi ban A, ban khoa học. Đã vào lớp ban C, cả nhóm bạn kéo nhau đến lớp, rủ rê tôi xin đổi từ ban C sang ban A. Phải cày cục và cũng nhờ sự quen biết của má tôi, tôi mới được đổi ban. Có thể vì thếtình bạn của chúng tôi mới có cơ hội nảy nở và ngày càng sâu đậm cho đến ngày thi Tú tài. Trong suốt bảy năm, niềm vui của tôi là những ngày cuối tuần được nghỉ học hay vào những ngày hè, tôi xin phép ngoại đến nhà K.Y ở chơi trọn cuối tuần. Trong suốt hai ngày cuối tuần, niềm vui của hai đứa tôi là làm bánh. KY là con một nên được ba mẹ cưng chiều. Chúng tôi tha hồ bày ra làm bánh, món bánh mà KY làm khéo là bánh khoai môn nướng. Ngoài giờ học nữcông trong trưòng, hai chúng tôi còn đi học thêm lớp gia chánh của cô dạy riêng ở nhà. Hai môn tôi học làxưng xa làm thành hình trứng luộc và bánh trái vải. Học xong, có dịp là chúng tôi thực hành liền. Gần nhà KY có lò bán bánh ướt, chúng tôi đi len lỏi xuyên qua những ngõ hẽm ở đường Võ Tánh, mua cả kí lôbánh về, chúng tôi pha nước mắm, bánh hấp lên, ăn với chả lụa và giá luộc. Niềm vui thật đơn sơ và giản dị.
Thích nhất mỗi lần được ngủ lại một đêm, cả hai chúng tôi cứ « rù rì » nói chuyện, tôi cũng không nhớchúng tôi nói gì với nhau ? Lúc đó chúng tôi không nghĩ rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ không còn liên lạc với nhau và không có gì có thể chia lìa tình bạn gắn bó. Nhưng rồi năm tháng trôi qua. Tôi từ giãmái trường. KY tiếp tục học đại học, không có cơ hội để gặp nhau, không có dịp chia sẻ vui buồn. Đúng là« Xa mặt thì cách lòng ».
Ngày xưa, hình ảnh gia đình của KY là hình ảnh màtôi vẫn hằng mơ ước. Ba KY trưa đi làm ra, ghé nhàlúc nào cũng có cơm nóng, canh sốt, mẹ KY lúc nào cũng đầu tóc gọn gàng, tiếp chồng với nụ cười. Một cảnh gia đình thật là đầm ấm mà tôi hằng ơ ước vàcũng chưa bao giờ được sống qua !
Ngoài KY, trong nhóm bạn, nhà tôi ở gần LH. Lên Đệ nhị cấp, cả ba chúng tôi ; KY, LH cùng học ởTrung Tâm Văn Hoá Pháp. Tôi và LH gần nhà nhau nên mỗi tối chúng tôi đi bộ từ trường, gần nhà thương Đồn Đất (Grall), dọc suốt con đường dài Hai BàTrưng, ngang qua Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Tuổi này là tuổi « chớm yêu » và bắt đầu làm người lớn. Đi học cũng là cơ hội để chúng tôi ăn diện mặc đẹp. Chừng ấy tuổi mà tôi và cô bạn bé nhỏ, lúc nào cũng mặc jupe, áo đầm, chân mang đôi giày cao gót, tiếng gót vang nên trong đêm vắng, nhất là mỗi lần phải đi ngang qua nghĩa địa, chúng tôi tăng tốc độ nhanh hơn, và mỗi lần qua khỏi nơi đó hai đứa nhìn nhau cười vì đã thắng nỗi sợ ma. Đúng là có những lúc đi nhanh như « ma bắt » là thế.
Cũng trong nhóm bạn, P., cô bạn có cặp mắt buồn hồthu, với mái tóc dài đen nhánh. Nhà chúng tôi cũng gần nhau. Với Phụng, tôi thường đến nhà bạn để« gạo » thi. Nhà P. có gác lửng, mỗi lần đến chúng tôi leo lên gác, dò bài nhưng thời gian ôn bài lúc nào cũng bị cắt đoạn bởi những chuyện tâm tình.
Sau năm 75, thì mỗi người mỗi nơi. Tôi thì trách nhiệm làm mẹ, vừa làm cha vì hôn nhân lỡ dở. Cuộc đời của người mẹ trẻ với trách nhiệm và bổn phận tôi mất đi những người bạn của tuổi học trò nhưng ngược lại tôi có những người bạn đồng nghiệp. Bạn đồng nghiệp thì cũng nhiều nhưng quan hệ không giống như tình bạn của thời đi học.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, lăn mình vào cuộc sống với những đổi thay của thời cuộc. Tình bạn của thời thơ ấu chìm dần trong quên lãng. Trên bước đường mới tôi cũng có dịp có những người bạn mới, đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi. Tuy nhiên đôi khi tôi cũng tự hỏi những người bạn cũ của mình ra sao ? Nếu có dịp gặp lại thì sự quan hệ có như ngày xưa chăng ? Đó cũng là một câu hỏi thật lớn nhưng không chắc ai tìm được câu trả lời chính xác.
DIỄM ĐÀO
Paris 7/2012