• Home
  • Nhà Bếp Diễm Đào - RECETTES
  • Tranh - Peinture
  • Chuyen Ngan Nouvelles
  • Trước Đèn Xem Sách- Lecture: Coups De Coeur
  • Thơ Văn - Poemes
  • Chuyện của Những Tác Giả Khác Autres Auteurs
  • Góc Vườn Nhỏ - Un Coin de Jardin
  • Đàn Ca Nhạc Cổ Musique Traditionnelle
  • Hình Kỷ Niệm những Năm Học Gia Long- Les Photos a Gia Long
  • Contact
  • Lời Nhận Xét Của Đoc Giả
  • Nhạc Cổ Điển của Theodore Duong - Musique Classique composee par Theodore Duong
DIEMDAO

BUỔI THĂM VIẾNG


 
Đứng trước cửa phòng của bác Linh, nằm ở khu C (Cléa), Duyên gõ nhẹ cửa phòng, rồi đẩy cửa vào. Cửa sổ đóng kín, Duyên bật đèn lên. Bác Linh ngồi bật dậy.
  • Ai đấy ?
  • Dạ, cháu đây ?
Bác Linh vừa thấy Duyên vào là bật cười dù rằng bác không nhớ Duyên là ai cả.
  • Bác nhớ cháu không ?
  • Không !
Bác thường hay trả lời ngắn gọn bằng chữ « không » ngắn gọn mỗi khi có điều gì không đồng ý. Tuy ngắn gọn nhưng giọng đầy vẻ cả quyết.
  • Duyên nè, cháu đi Mỹ mới về !
Bác bước xuống giường nhưng không bao giờ quên, kéo tấm phủ giường lại cho ngay ngắn, rôi tìm đôi dép, xỏ chân vào và lê từng bước đến chiếc ghế quen thuộc, đối diện có chiếc ghế nhỏ để gác chân.
Người bác nhỏ nhắn, tóc bác thả dài lưa thưa, mái tóc trắng xoá như những vị  tiên. Điểu đặc biệt ít có nơi người lớn tuổi là bác luôn luôn cười. Cũng như đa số những người ở trong nhà dưỡng lão, và cũng do tuổi tác ai cũng hay quên nhưng có những điều bác không bao giờ quên là bác bảo rằng, lúc bác còn hay đi lễ nhà thờ, ai cũng cho bác biệt danh là « Bác Linh cười »
Mỗi khi Duyên lấy mả điện thoại chụp và đưa cho bác xem, lần nào bác cũng lắc đầu :
  • Ối giời ơi, tôi già quá !
  • Thế thì bác nhuộm tóc và cắt tóc cho ngắn lại.
  • Không !
Cũng vẫn từ « Không » cả quyết, không đổi dời.
  • Cắt làm gì !
  • Bác nhớ cháu không ? Cháu tên gì ?
  • Không, quên rồi.
  • Cháu tên Duyên !
  • Duyên, tên đẹp quá !  Thế bao giờ bà đi hè ?
Đó là một trong những câu trong những đối thoại giữa Duyên và bác Linh, và bác tuy quên nhưng vẫn nhớ là Duyên đi hè là đi Mỹ, bác hay gọi Duyên là « bà »
  • Đi rồi . Mới về.
  • Đi bao lâu
  • Ba tháng.
  • Làm gì mà ở lâu thế !
  • Dạ vì có người nuôi.
  • Ai mà tốt thế ?
  • Con gái.
  • Con thì cho mẹ ăn chứ có gì đâu mà nuôi. Thế sao không ở đến tết rồi hẵn về ?
  • Thôi, ở lâu quá thì tốn tiền con cái.
  • Con cái thì cho mẹ ăn chứ đâu mà tốn. Vé nó có cho không ?
  • Không. Vì vậy đi hoài nên hết tiền
  • Có ai mượn tiền đâu mà than !
Thế rồi bác lại cười, nụ cười dòn tan.
  • Bác Linh có đi Mỹ chưa ?
  • Có ai cho tiền đâu mà đi !
  • Cháu cho bác mượn tiền nhé ?
  • Không !
  • Tại sao ?
  • Già rồi. Không đi nổi đâu !
Trong phòng bác treo hình bác chụp với Đức Giáo hoàng ở Vatican, có một bàn thờ Chúa và Đức mẹ. Trên bàn luôn có chậu hoa hồng giả, và rất sạch sẽ, không một chút xíu bụi.
  • Bác có đi Lourdes chưa ?
  • Có, « Luốc » (Lourdes) thì tôi đi nhiều lần.
  • Có đi viếng Vatican không ?
  • Có, đi nhiều lần, đi với nhà thờ. Bây giờ già rồi không đi đâu nữa.
Câu chuyện giữa Duyên và bác Linh lẩn quẩn gói gọn trong những câu như vậy và lập đi lập lại và bao giờ cũng như mới, và bao giờ cũng tô điểm thêm cho câu chuyện bằng tiếng cười dòn tan.
  • Bác Linh có vui khi cháu đến thăm bác không ?
  • Không vui sao cười. Cái bà này !
  • Cháu không vào thì bác có cười không ?
  • Cười một mình người ta nói mình điên à.
Nói rồi bác lại cười ngặc nghẽo.
Mỗi lần đến thăm Duyên mang đến cho bác bánh croissants, pain au chocolat, nước gaz.
  • Gớm, bày vẽ, mua bánh làm chi. Bà ăn với tôi đi.
  • Ngon không bác.
  • Ngon, bánh ở đây cứng quá. Nước gì đây ?
  • Dạ nuớc có gaz đó. Ngon không ?
  • Ngon, đỡ nhạt.
Nhưng Coca thì bác không thích, uống vào cứ nhăn mặt, và đẩy ly ra và nói :
  • Bà mang về đi. Nước gì mà kỳ thế ?
  • Coca này không có đường.
  • Thôi tôi lạy bà, bà mang về đi. Không tôi không uống.
Khi nào có chữ « không » là bà có vẻ rất là cương quyết.
Và khi nào Duyên chào bác đi về thì bác hay nói :
  • Bà ở chơi một chút rồi hẵn đi.
  • Cháu phải về vi trời tối đợi xe bus lâu lắm.
  • Ừ thôi về đi ! Lâu lâu bà đến thăm tôi nhé !
Thế là bác lại ôm Duyên hơn từ giả và lần nào cũng dưa ra tận thang máy, đứng đợi cửa thang máy đóng và vẫy tay chào.
Hình ảnh bác Linh đứng vẫy tay, mỗi lần như vậy Duyên cứ thấy lòng mình nao núng buồn buồn ?
Tiếp theo Duyên đi dọc theo những hành lang để đến bâtiment B, mang tên Bleuet, ghé thăm bác Thanh.
Thang máy dừng lại ở lầu ba. Cửa phòng đóng kín, mở ra không thấy bác Thanh, Duyên đi đến phòng ăn thì thấy bác Thanh ngồi trên chiếc xe lăn, cặp mắt lờ đờ, nhìn về phía trước nhưng ánh mắt không còn linh động nữa. Bác như mù hẵn rồi !
Duyên chạm nhẹ vào tay bác, cánh tay ốm yếu, bác lúc nào cũng có cái bóp đen, cổ đeo chuổi, tóc dài ngang vai, thưa thớt nhưng lúc nào cũng cột gọn bằng sợi dây cao su.
  • Qui êtes-vous ?
  • « Chiều chiều trước bến Vân lâu »
  • À, em hả ? Em ở Pháp mà còn biết thơ của mình ?
  • Dạ cũng còn nhớ chút đỉnh.
  • Em đưa chị về  phòng để mình nói chuyện một chút.
Duyên đây xe đưa bác về phòng. Bác cũng ngoài chín mươi, không lập gia đình và dưòng như bác không nhận thức được số tuổi để xưng hô.
  • Em biết nhà chị ?
  • Dạ biết !
Suốt dọc hành lang, bác cứ đọc thơ, nguồn thơ dâng trào, hết câu này đến câu khác. Khi Duyên thử đọc sai chữ là bác không chịu và chỉnh ngay :
  • Em đọc thơ con cóc. Không vần điệu gì cả !
  • Dạ ; « con cóc nhảy ra con cóc nhảy vô
Con cóc ngồi đó con cóc nhảy ra, …
  • Người Việt mình thật là thâm thúy, chữ nào ra đúng chữ đó. Thơ em đọc là thơ con cóc, nghe không nổi.
Những câu thơ của bà tôi gần như thuộc lòng, và cũng nhờ bà mà tôi nhớ lại những đoạn thơ Kiều học lúc ở trung học nay không cò nằm trong bộ nhớ của mình. Mỗi khi đến thăm tôi phải mang theo quyển truyện Kiều để cùng đọc với bà.
Và khi đọc thơ thì bà thường nắm tay Duyên, thỉnh thoảng bà cầm tay và hôn lên bàn tay và nói :
  • Ước gì chị em mình ở gần để chị đõ buồn. Ở đây một mình không ai nói chuyện buồn lắm !
  • Chị có con cháu đến thăm không ?
  • Không, chị không có chồng.
  • Rồi bà bắt đầu ngồi « tâm sự » kể những kỷ niệm vui buồn lúc còn nhỏ và chỉ hình gia đình treo trên tường. Cuộc đời của bà Duyên được nghe gần như mỗi lần đến thăm, đôi khi Duyện tiếp lời thì bà cười và hỏi :
  • Ủa sao em biết gia đình chị
  • Dạ em là người đồng hương với chị nên em biết
  • Ừ, nghe nói tiếng Việt thấy gần gũi. Em ở đâu ?
  • Dạ em ở Paris ?
  • Còn chị ở đâu ?
  • Dạ chỗ chị ở là thuộc vùng ngoại ô.
  • Có xa nhà em ở không ?
  • Dạ xa. Từ nhà em đến thăm chị em phải đi ba chuyến bus mới tới.
  • Tội nghiệp em quá.
Những người ở đây, là những người không còn tự túc sống một mình được, hoặc có khi quên nhiều nhưng Duyên thấy dù có gọi là quên nhưng có những kỷ niệm ghi đậm trong tâm tư, không bao giờ quên, khi đó thì những người lớn tuổi sẽ nói chuyện rất rành mạch, rõ ràng. Chỉ tiếc thay những người nầy bị xã hội, gia đình quên đi. Cuộc sống một mình, không còn ai trao đổi chuyện trò, cuộc sống của họ chìm trong thế giới gần như không có ngôn từ. Một thế giới lặng im.
Mỗi lần Duyên từ giả ra về, bà nắm chặt tay :
  • Em ở thêm một chút với chị. Em về chị không biết nói chuyện với ai và chị không còn thấy đường, buồn lắm em ơi. Bao giờ em đến thăm chị ? Phải chi em ở gần đây.
Câu nói này làm cho Duyên nhớ một tháng truớc khi má Duyên qua đời, đêm hôm trước ngày Duyên phải trở về Pháp, má không ngủ được, má cầm tay Duyên :
  • Con đi rồi bao giờ con trở lại gặp má.
  • Dạ, qua sang năm.
  • Lâu quá ! Má nhớ con lắm, có con nói chuyện và tối thức dậy thấy có con má đỡ buồn. Nhưng thôi con có gia đình phải lo. Con ráng về thăm má nhen. Tội nghiệp con thiệt thòi hơn những anh em trong nhà. Nếu má có chết rồi thì má sẽ phù hộ cho con.
Duyên đâu ngờ rằng đó là những lời trăn trối, hai tháng sau đó má qua đời. Từ lúc má qua đời Duyên có dịp làm quen được với hai bác Linh và bác Thanh là hai người Việt nam không con cái, Duyên thỉnh thoảng ghé thăm trò chuyện. Tình cảm gắn bó dần dần, nay nghe bác Thanh mong đợi sự có mặt của mình Duyên không khỏi sao tránh đuợc xúc động.
Thời gian trôi qua, cũng đã hơn một năm, bác Linh thì vẫn cười mỗi khi gặp lại Duyên nhưng bác thở có phần khó khăn. Bác vẫn còn nhanh nhẹn trong những câu đối đáp chuyện trò. Tuổi thì bác quên hẵn nhưng có những kỷ niệm vẫn in sâu trong tâm khảm như bác vẫn nhắc căn nhà của mình, có một ao trước cửa nhà, có vại nước, có những cây ăn trái, với những cánh đồng ruộng lúa….Chồng và hai người con trai đã chết trong chiến tranh và bác lưu lạc sang Pháp, bác không nhớ làm sao mình vô ở đây và bao lâu ?
  • Ở đây bác có được ăn phở, bánh cuốn hay cơm Việt Nam không ?
  • Không, chỉ ăn cơm tây thôi. Ăn riết rồi quen đi. Tôi không còn nhớ những món ăn của mình nữa.
Bác Thanh thì ngày một gầy gò vì bác không còn thấy đường nữa và phải ngồi xe lăn. Nhìn thân hình bác còm cõi nhưng hồn thơ vẫn còn lai láng và vẫn còn nhớ thơ Kiều.
Những buổi đi thăm viếng tuy ngắn ngủi nhưng cũng mang lại một chút gì để cho những người bị bỏ quên gợi nhớ một chút gì đó còn sót lại trong tâm tư. Những gặp gỡ chuyện trò này cũng là một phần nào phải chăng Duyên muốn chuộc lại những thiếu sót của mình đối với Ngoại, Má.
Ngoại Má tuy sống chung với con cháu gia đình nhưng cũng nằm một mình trên chiếc giường nhỏ, hoặc ngồi trong phòng, thỉnh thoảng ngóng mình ra để nghe lóm câu chuyện của con cháu. Những lớn tuổi, dường như không còn được tham gia vào những câu chuyện hằng ngày, phản ứng chậm chạp, ngôn từ không còn dồi dào phong phú, trí nhớ kém cỏi ?
Trong gia đình cũng bị bỏ rơi, chìm trong quên lãng, chỉ còn những thời gian im lặng, một mình trong không gian hạn hẹp. trong thế giới của họ, của những ngày xa xưa, những kỷ niệm lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ, những câu nói gần như vô nghĩa, và đôi khi làm trò cười cho những lớp trẻ. Ngoài xã hội, thì người lớn tuổi không còn chỗ đứng, họ không còn được tham gia vào nhũng hoạt động của xã hội, nếu có chăng chỉ là một sự thương hại. Buồn thay cho kiếp của con người !
 
Diệu Tiên
Paris, 14/9/2017

Proudly powered by Weebly
  • Home
  • Nhà Bếp Diễm Đào - RECETTES
  • Tranh - Peinture
  • Chuyen Ngan Nouvelles
  • Trước Đèn Xem Sách- Lecture: Coups De Coeur
  • Thơ Văn - Poemes
  • Chuyện của Những Tác Giả Khác Autres Auteurs
  • Góc Vườn Nhỏ - Un Coin de Jardin
  • Đàn Ca Nhạc Cổ Musique Traditionnelle
  • Hình Kỷ Niệm những Năm Học Gia Long- Les Photos a Gia Long
  • Contact
  • Lời Nhận Xét Của Đoc Giả
  • Nhạc Cổ Điển của Theodore Duong - Musique Classique composee par Theodore Duong