Một chút mặt trời. Mùi hương trầm của cây nhang làm cho Liên nhớ lại những ngày giỗ, là cơ hội cho gia đình gặp gỡ nhau. Ảnh Ngoại lờ mờ sau làn khói nhang, Liên vẫn còn nhớ ảnh này Liên chụp Ngoại trước ngày Liên rời quê hương lên đường « lập nghiệp ». Trong chiếc áo dài nhung màu nâu, tay cầm chiếc gậy với đầu rồng, còn tay kia để trên đùi như để « khoe » bàn tay thon nhỏ đẹp. Dáng ngồi bệ vệ, uy nghi dù rằng ngoại cũng đã hơi yếu trước xa, với một tương lai mờ mịt, với hai bàn tay trắng. Liên vẫn còn nhớ Ngoại nói : - Hình này con chụp cho Ngoại, rửa ra rồi để sau nầy ngoại có chết thì để cho Má con thờ, bởi vậy Ngoại mới lấy áo này để mặc cho đẹp, áo này cũng là áo để liệm Ngoại. - Không đâu Ngoại, Ngoại sẽ sống chờ ngày con trở về chớ ? - Biết bao giờ con trở lại ? Nhưng thôi, con đi đi, để lo tương lai cho hai nhỏ. Chừng nào làm ăn khá rồi mang Ngoại qua để được ở gần tụi con.Lời nói của Ngoại lúc đó cũng như là lời trăn trối, và là lời nhắn nhủ ? Vì sau khi Liên đi được vài tháng thì Ngoại mất.Ngày Ngoại mất, Liên chưa có gì trong tay để đem Ngoại đi như Ngoại mong ước và Liên cũng không có khả năng để cho ước nguyện cuối cùng của Ngoại là được chôn chứ đừng thiêu vì thiêu nóng lắm. Ngày báo tin Ngoại mất, Liên không có một đồng trong tay để gửi về phụ lo ma chay, Liên ân hận và đành bó tay trước sự quyết định của gia đình, là làm cho mọi chuyện đơn giản không tốn kém. Con người đôi khi bị bất lực, vì đồng tiền dù sao cũng có sức mạnh của nó : « Có tiền mua tiên cũng được », câu này cũng hơi quá đáng nhưng sự thật cũng cho mình thấy, không tiền thì tiếng nói thiếu trọng lượng. Liên chỉ biết xin lỗi Ngoại và mỗi lần nhìn ảnh Ngoại, Liên vẫn còn mang cảm giác ân hận.Hằng năm, đến ngày Ngoại mất, Liên chỉ biết làm bữa cơm, ngày Tết đến, Liên nấu thịt kho dưa giá, làm bánh Tét có đậu đen, và thịt, món này Ngoại thích, chứ không thích bánh chưng. Bánh tét gói đậu thì phải là đậu đen nhỏ hột, Ngoại cứ nói đậu to hột, ăn không tốt.
Tay cầm cây nhang đốt trước bàn thờ nhỏ, trên đó có những món mà ngoại thích:khoanh bánh tét có màu xanh của lá chuối, điểm những hạt đậu màu đen. Màu vàng của nhưn đậu xanh bọc chung quanh miếng thịt ngả màu như chuổi hổ nhờ nấu ninh trong khoảng sáu giờ đồng hồ. Có những người chỉ cho Liên cách nấutheo kiểu vừa tiết kiệm thời gian và vừa tiết kiệm gaz, điện, nếp ngâm một đêm và xào với nước cốt dừa rồi mới gói thì thời gian nấu chỉ còn lại khoảng một giờ thôi. Nhưng Ngoại vẫn thường khen bánh Tét mà Liên gói lúc nào cũng thơm và đậm đà vì vậy Liên cũng không muốn phụ lòng Ngoại trong ngày tết. Thịt kho màu chuổi hổ, một chút dưa giá với những cọng giá trắng muốt chen lẩn với màu đỏ của cà rốt, màu xanh của hẹ. Màu trắng của gạo nàng hương thơm phức, hột gạo thật nhỏ, và phải nấu cho khô, ngoại không thích ăn cơm nhão. Liên cũng không biết mình chuẩn bị thức ăn nhiều như vậy để làm gì, ngày xưa còn có các con ở gần nhưng mọi việc cứ diễn tiến ra như trở thành thông lệ, nếu không làm được thì Liên cứ cảm thấy xốn xang và áy náy làm sao? Chuông điện thoại reo vang như cắt dòng tư tưởng của Liên. - A lô ! Sen đây. Liên đang làm gì đó? - Mình đang làm cúng Bà Ngoại và mời Ngoại về ăn Tết với mình đây. - Ô, vậy là Liên có gói bánh tét phải không? - Đúng rồi. - Ouppi ! Vậy thì mình ghé qua nhen, và hôm nay Sen có chuyện này rất hấp dẫn để kể cho bạn nghe.
Sen hay có thói quen khi nào có chuyện gì lý thú thì hay nói chữ “ouppi “nên Liên “tặng cho Sen tên là “Ouppi”. Liên nhớ Ngoại cũng thuờng hay đặt cho một số người mà Ngoại không thể nào nhớ tên, và Ngoại hay đặt ra những tên rất “tượng hình” như “bà Năm Lưới” vì nhà bà có hàng rào bằng lưới, Cô Ba Gà vì cô có gà mang từ dưới quê lên để bán….
Chỉ độ nửa giờ sau là Sen đã đến. Lần này có điều hơi thay đổi là Sen rất diện, tóc hớt ngắn kiểu tém, coi thật trẻ, bộ costume thật là đẹp, vừa vặn, thay vào cho mái tóc dài và những chiếc áo pull rộng, che cả thân người gọn gàng của Sen. Không ai có thể nghĩ Sen đã ngoài bảy mươi. - Ô, có gì thay đổi vậy? Lâu quá rồi mình không có dịp gặp nhau, lần chót mình chỉ gặp thoảng qua ở trường lúc đi ghi danh. - Đúng rồi, Sen cứ học bù đầu. Mình già rồi nên phải học nhiều hơn tụi trẻ, nhưng nói cho đúng mình cũng nhờ có sự động viên của thầy Phước, và cũng nhờ ông chồng mình có bồ nên Sen mới đi học cho họ đừng nghĩ là mình ngu. - A, thầy Phước vẫn còn dạy năm thứ nhất hả? Năm nay Sen học năm thứ hai rồi làm sao gặp thầy? - Vậy mới hay chứ. Chuyện rất là hấp dẫn. Nhưng phải cho ăn bánh tét của Liên gói đi, nhìn thấy là cứ thèm rỏ rãi.
Thế là, hai người bạn gái dọn thức ăn trên bàn thờ xuống và bắt đầu ăn. Sen nhìn quanh : - Ông xã đâu rồi ? - Ô, ông ấy đi về duới quê vì phải sửa lò sưởi sao đó, mình sắp thi nên không đi theo được, vã lại Sen cũng biết là mình vẫn ưa ở Paris hơn. Thôi kể chuyện của bạn xem ? - Liên nhớ là mình cũng có nhiều cảm tình với thầy nhưng mình lại bị ảnh hưởng của giáo dục xưa nên không dám bày tỏ. Năm ngoái Liên cứ xúi bảo là mình đâu có gì bó buộc nữa và thầy dường như cũng độc thân. Không hiểu sao Thầy có gọi điện thoại mời mình đi ăn trưa và hứa là sẽ đi xem kịch với mình hoặc đi viếng Viện bảo tàng. Lúc nghe Thầy hứa đến, mình lật đật đi cắt tóc, Liên thấy thế nào ? - Đẹp hẵn ra, trông cứ như « con gái mười tám » ý. - Thôi đừng xạo. - Thôi kể tiép đi. - Mình và thầy đi đến nhà hàng gần nhà mà mình thường đi ăn với mấy đứa con. Người phục vụ thấy thầy thì tưởng là ông chồng của mình, làm mình cũng thấy vui vui, nhưng thật ra Thầy có nhiều nét giống ông chồng mình lắm, củng với hàm râu quai nón, với dáng dấp hơi bụi đời dù ông xả mình là bác sĩ. - Hèn chi mà ông chồng bà bị người bạn thân và là người hàng xóm cưỡm mất. - Mình rất khổ thời gian đầu, mấy lần tường đâu là « chầu chúa » rồi. Nhớ lại mình thấy sao ngu quá lại tự hủy hoại sinh mạng của mình cho người không xứng đáng,cũng may nhờ người bác sĩ gợi ý cho mình đi học trở lại, nhờ vậy mình được quen với Liên . Lần đâu gặp Liên, tự nhiên mình nhớ lại quê hương thứ hai của mình, Việt nam mặc dù mình chưa biết nhưng trong người mình dù sao cũng mang giòng máu người Việt. Bởi vậy cũng hiểu được vừa thấy Liên là Sen có cảm tình ngay và nhờ vậy mới có nhiều dịp thưởng thưc những món ăn ngon của quê hương.
Liên nhớ lại ngày đầu trở lại Đại học, chỉ có Liên và Sen là hai sinh viên đặc biệt nhất, như là « hoa lạc giữa rừng gươm », vì nhìn lại chung quanh thấy sự khác biệt tuổi tác, sự giống nhau trong cảnh khác biệt đó, làm cho Sen và Liên gần nhau và hai tên cũng mang cùng ý nghĩa, là loài hoa Sen, loại hoa đơn sơ mang vẻ đẹp của quê hương. Sen là một tiêu biểu cho sự can đảm, biến chuyện buồn của cuộc đời để tìm cho mình một hướng đi bằng cách tìm quên trong chuyện « dồi mài kinh sử ». Vô tình mà hai người lại có cùng tâm trạng với nhau, chuộc lại lỗi lầm của tuổi trẻ, và tìm lại thời gian đã mất. Cũng nhờ vào sự « khác biệt » với những em sinh viên trẻ, chỉ đáng tuổi con cháu mình mà Sen vả Liên luôn được thầy cô để ý và ít nhiều nâng đỡ và khuyến khích. Đặc biệt là Thầy Phước, giáo sư môn Triết học, lớp của thầy luôn luôn đông sinh viên đến dự, Sen vẫn thường trở lại lớp vào giờ của thầy để nghe giảng, không ngờ Sen cũng đã âm thầm yêu thầy. Tình yêu quả là đôi khi không có ranh giới và con người cũng có thể yêu nhiều lần trong đời ? Liên cũng tự hỏi câu chuyện tình này sẽ kết thúc như thế nào ? Nhưng hiện nay, điều trước mắt là Sen đã tìm lại được niềm tin đã mất từ ngày bị chồng và bạn phản bội, ngồi nhìn Sen ăn ngon miệng và cười nói không ngớt, Liên cũng thấy vui cho bạn tìm được « một chút mặt trời » trong những ngày đông giá lạnh. Diễm Đào (Paris 2009)