• Home
  • Nhà Bếp Diễm Đào - RECETTES
  • Tranh - Peinture
  • Chuyen Ngan - Nouvelles
  • Trước Đèn Xem Sách- Lecture: Coups De Coeur
  • Thơ Văn - Poemes
  • Chuyện của Những Tác Giả Khác — Autres Auteurs
  • Góc Vườn Nhỏ - Un Coin de Jardin
  • Đàn Ca Nhạc Cổ Musique Traditionnelle
  • Hình Kỷ Niệm những Năm Học Gia Long- Les Photos a Gia Long
  • Contact
  • Lời Nhận Xét Của Đoc Giả
  • Nhạc Cổ Điển của Theodore Duong - Musique Classique composee par Theodore Duong
DIEMDAO
Picture
ĐẾN VỚI NGÀY MỚI

Tôi không nhớ bắt đầu lúc nào tôi bắt đầu " viết lách", chỉ nhớ vào năm đệ tứ, trong giờ luận văn, bài làm với đề tài bình luận câu " Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Khi cô phát bài, bài được phát từ người điểm thấp đến điểm cao. Sự chờ đợi đọc tên làm cho mình hồi hộp vì chờ mãi mà vẫn chưa thấy bài của mình vì tôi không dám tin mình được điểm cao. Lần đó tôi được điểm cao nhất và bài được đọc lên cho cả lớp cùng nghe. Nói sao cho được niềm vui, sự hãnh diện, sự cảm xúc của tôi trong giây phút đó. Có thể cách hành văn của tôi hợp với cô?
​Thế là từ đó tôi tự tin và đánh mạo viết bài gởi cho Báo Tiếng Chuông, trên có mục dành cho học sinh. Đôi khi bài tôi được chọn đăng và mỗi lần như vậy tôi lãnh được một số tiền nho nhỏ để đi ăn cùng bạn bè. Điều chính yếu là tôi cảm thấy tự tin hơn và tự thấy mình cần phải trau dồi nhiều hơn bằng cách tìm thì giờ để đọc sách.
​Con đường “viết lách” bị gián đoạn bởi chuyện học hành, chồng con, mưu sinh…Mãi đến năm 2003, một hôm nhân dịp ra tiệm sách Khai Trí, tờ báo Ngày Mới với hình ảnh bìa trang nhã, mở vài trang ra đọc, lần đầu đọc được báo tiếng Việt ở Paris. Báo có nhiều bài viết có giá trị, những bài bình luận với đủ đề tài, tuy nhiên những tác giả đa số là những người có tiếng tăm trong ngành văn chương làm cho tôi e dè vì sợ khả năng viết lách của mình chưa đủ góp mặt, tuy nhiên tôi cũng đánh bạo gởi bài đến tòa soạn:
“ Kính gửi quý báo Ngày Mới,
Tôi xin gởi bài viết “….” Dù rằng khả năng viết văn của tôi còn quá thô thiển tuy nhiên tôi cũng mạnh bạo gởi bài để đóng góp và nếu bài được chọn đăng cũng là sự động viên cho tôi …”
Tuy nhiên chị DT đã trả lời:
“Chào cô …
Chúng tôi đã nhận được bài của cô gửi đến cộng tác, thành thật cám ơn…”
​Dù bài chưa được chọn đăng nhưng tôi cũng đánh bạo gửi tiếp, một tháng sau đó, tôi nhận được thư trả lời của Tòa soạn báo cho biết có một trong số những bài tôi gửi đến được chọn đăng. Niềm vui được đóng góp phần nhỏ nào với một trong chủ trương của báo, duy trì và phổ biến tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho cộng đồng người Việt ở Paris.
“ Chào bà …
​Chúng tôi nhận thêm bài của bà gửi đén, thành thật cám ơn.
​Số báo kỳ tới (NM 52- tháng 3&4/2003, chúng tôi sẽ đăng bài “ Vài suy nghĩ về Hôn nhân và Tình yêu”.
​Chúng tôi xin lưu ý bà là Ngày Mới đã có một biên tập viên cộng tác lâu năm tên là Trang Thanh Trúc.
​Chúng tôi mạn phép đề nghị : bà giữ tên… (tên này cũng rất đẹp) trong những bài đăng trên báo Ngày Mới để tránh cho đọc giả khỏi bị lẫn lộn các tác giả.
​Đây là đề nghị mà Ngày Mới đưa ra để tránh sau này khi đọc giả yêu thích những truyện của bà viết trên báo Ngày Mới, đọc giả sẽ không lầm tưởng bà là Trang Thanh Trúc. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một lợi điểm cho ngòi bút và tên tuổi của bà trong tương lai.
​Mong bà sẽ thông cảm đề nghị trên và không phật ý, vì đây là ý kiến xây dựng của chúng tôi….”
DT
Lời thư nhã nhặn, lời góp ý nhẹ nhàng càng làm cho tôi có thêm cảm tình với toà soạn Ngày Mới ngang qua ngòi bút của chị DT, dù chưa có cơ hội được gặp mặt.

Lúc đầu tôi chọn bút hiệu là Thanh Trúc vì cây Trúc làm cho tôi nhớ đến quê hương và cây Trúc thật là dễ thương trong thơ văn "Trúc xinh, Trúc đứng một mình cũng xinh". Chọn bút hiệu cũng là điều mà tôi cũng “bắt chước” một số nhà văn, thường có một bút hiệu nào đó, phần vì tôi cũng không tự tin lắm vào ngòi bút, suy nghĩ của mình nên chọn một bút hiệu để lỡ khi mình viết lách kém cỏi thì tránh né được sự chê khen của người đời. Sau cùng thì tôi chọn một bút hiệu khác là ghép tên hai con tôi, hai tên ghép lại vừa có ý nghĩa và cũng nghe êm tai.
​Sau vài lần trao đổi thư từ, chị DT đề nghị đổi tiếng xưng hô cho thêm thân mật.
​Lời đề nghị của chị càng làm cho tôi cảm động và cảm thấy gần gủi hơn với báo Ngày Mới :

“Chào chị…
Chúng tôi rất vui khi thấy chị có nhiệt tâm sáng tác để làm giàu cho nền văn chương VN ở hải ngoại mặc dầu đời sống ở xứ người rất bận rộn….”
Cũng nhờ sự khuyến khich của báo Ngày Mới mà tôi có dịp góp phần nhỏ nhoi của mình trong chủ trương của báo và đồng thời cũng là một trong những động cơ giúp cho tôi trở lại ghế nhà trường sau gần bốn mươi năm “xếp bút nghiên” vì cuộc sống. Học để có thêm kiến thức, học để biết cách viết và trình bày suy nghĩ của mình cho mạch lạc và phong phú hơn, cũng nhờ đó mà tôi tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương tại Pháp và tôi cũng được theo học về văn chương của Pháp, và nhờ đó mà tôi theo học hai lớp “Atelier d’écriture” ở trường Đại học Diderot.
Dù biết rằng chị DT với những bận rộn nhưng chị cũng nhín chút thì giờ viết thư cho tôi.
Và cũng từ đó tôi cảm thấy hăng say trong chuyện viết lách, và nhận được báo mỗi hai tháng. Đọc bài “Chặng đường 10 năm” đăng trong báo số…tôi rất cảm kích sự làm việc tích cực của toà soạn và ban biên tập.

”Chị DT kính,
​Đã nhận được hai số báo 51,52 và báo Xuân Quý Mùi với lời đề tặng của chị, tôi hết sức xúc động, vui mừng và đồng thời cám ơn chị.
Đọc bài “Chặng đường 10 năm” chị viết, tôi cảm phục sự can đảm, lòng hăng say và nhiệt tình làm việc của anh chị và các anh chị em cộng tác với chị.
​Chủ trương về văn hoá và tôn chỉ “Tình thương không biên giới”, ngoài việc viết báo, các anh chị đã không quản ngại thì giờ vàng bạc để làm những công tác xã hội. Tôi rất lấy làm thán phục!
​Hình ảnh cho thấy anh chi em cộng tác với nhà bào vừa là nhà báo, mà cũng là những người nghệ sĩ. Trong báo có đăng một số hình ảnh về “họp mặt, ca hát, làm báo” , tiếc thay dưới những hình ảnh đó, không có chú thích tên để cho những đọc giả không có cơ hội đi dự lễ lỷ niệm 10 năm thành lập báo, được dịp “làm quen” với các anh chị em ngang qua hình ảnh.
​Một lần nữa, tôi xin cảm ơn chị đã tặng tờ báo và quý nhất là những dòng chữ đề tặng của chị. Tôi rất cảm kích sự tế nhị của chị.
​Từ đó, tôi thường nhận được những dòng chữ chị DT trả lời với những lời lẽ động viên bằng sự tế nhị:
“Chào chị…
Cám ơn những tình cảm chị dành cho NM.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đăng những bài chị đã gửi cho những số báo sắp tới.
​Từ đây đến hè, NM sẽ còn có những buổi sinh hoạt “bỏ túi”, chúng tôi sẽ gởi giấy báo đến chị.
​Chúng tôi rất cảm phục lòng yêu mến văn chương VN mà chị đã bỏ ra nhiều thì giờ để sáng tác những mẩu chuyện.
………….
DT
Chị DT kính,
​Tôi đã nhận được hai số báo Xuân. Tôi sẽ gửi báo để biếu bạn tôi ở Úc, chị là cựu giáo viên trường khiếm thị ở VN, và con gái tôi ở Mỹ.
Những bài viết trên báo NM, bài nào cũng rất hay, và tôi đã đọc hết, cả mục trả lời và những mẫu chuyện tâm tình của đọc giả.
​Tôi rời VN và cũng như đại đa số những người Việt xa quê hương, nhưng lòng vẫn nhớ mảnh đất mà mình đã sinh ra và lớn lên và cũng nhờ đó cũng là một trong những nguồn cảm hứng để tôi viết những chuyện ngắn với hình thức như một bức thư tâm tình, vài suy nghĩ riêng tư của mình, chú thực tình số vốn văn chương của tôi rất là hạn hẹp, do đó tôi cũng không ngừng học hỏi.
​Rất cảm ơn lời mời của chị đến dự buổi sinh hoạt “bỏ túi” nhưng tôi chưa thấy tự tin trong lãnh vực viết văn và văn học nên chưa thấy thoải mái đến dự những buổi sinh hoạt này.
​Tôi nhớ trong số báo 51 hay 52 có đăng bài với đề tài về một người lớn tuổi trong "maison de retraite", lúc đầu ông cảm thấy lạc lỏng trong một nơi mà những người chung quanh không cùng tiếng nói với mình. Nhưng với thời gian ông hoà mình với cộng đồng người Pháp. Sau đó có một gia đình người Việt đến ở, ông vui mừng và có dịp được nói tiếng mẹ đẻ với người đồng hương. Nhưng rồi sau đó, cũng từ đó có những tiếng đồn là ông bị con cháu ruồng rẫy, bỏ ông trong nhà dưỡng lão này và cũng từ đó mọi người nhìn ông với cặp mắt thương hại.
​Do vì vậy mà tôi chưa sẵn sàng trong những buổi họp mặt.
​Thư từ vẫn tiếp tục trao đổi với những lời động viên nhẹ nhàng, những khích lệ của chị DT .Vào ngày chúa nhật 8 tháng 6 năm 2003, tôi nhận được giấy mời của NM đến dự buổi sinh hoạt Văn học và Nghệ thuật “Trong bàn viết ngoài cuộc đời” do Nhóm Văn Nghệ sĩ Thế hệ II tổ chức tại Hội trường C.I.S.P Maurice Ravel- 75012 Paris.
Cùng lúc với thiệp mời, tôi nhận đưọc thư chị DT gửi đến:
“ Chào chị..
​Chúa nhật 8 tháng 6 năm 2003, nhóm Văn nghệ sỉ thế hệ 2 sẽ tổ chức buổi hội thảo Văn học và Nghệ thuật nhân dịp nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật đến từ Norvège, giáo sư Lưu Nguyễn Đạt và nhà văn Trần Bích San đến từ Hoa Kỳ.
Ban Văn nghệ NM sẽ phụ trách phần văn nghệ.
Hôm đó nếu rảnh, mời chị đến tham dự.
….
​Sau đó tôi cũng được mời đến dự buổi văn nghệ tổ chức ở nhà thờ Antony. Cũng nhờ báo NM mà tôi từng bước e dè, ngượng ngập đến với cộng đồng người Việt.
“Chị DT kính,
​Tôi có nhận được thư mời đến dự buổi văn nghệ tổ chức tại nhà thờ Antony. Tôi có đến dự và được xem trích đoạn “Hai bà Trưng “ và “Kim vân Kiều” do Nữ nghệ sĩ Bích Thuận trình diễn và với sự tham gia chương trình Văn nghệ của nhiều anh chị em khác. Hôm đó có vài trục trặc kỹ thuật về âm thanh nhưng với tài nghệ điêu luyện của cô Bích Thuận và sự tham gia nhiệt tình của các anh chị em nên mọi người được thưởng thức một chương trình văn nghệ đầy tình người và mang tính dân tộc. Hôm đó tôi được dịp ngưỡng mộ bức tượng Đức Mẹ La Vang được mang từ VN sang……

​Đến nay năm 2014, ngoảnh lại nhìn lại thời gian vào năm 2003, tôi đến với NM cũng hơn 10 năm và NM cũng tròn 20 không mệt mỏi, không ngừng cho ra những tờ báo, với cách trình bày trang nhã, với lập trường phổ biến văn hoá VN trên xứ người. Với thời buổi “Gạo châu củi quế” trước ngưởng cửa của thế kỷ thứ 21 và tiếng mẹ đẻ không còn dược thế hệ trẻ nâng niu ấp ủ mà NM đã trãi qua 20 làm việc không mệt mỏi. Điều này cũng nói lên được tình yêu ngôn ngữ, văn chương của Ban Biên tập và cũng nói lên được sự ủng hộ của đọc giả. Nhưng tiếc thay đến khúc quanh của 20 năm, NM quyết định giã từ đọc giả với bài viết chia tay mang một nỗi buồn man mác và để lại dư âm trong lòng mọi người?
​“…Sau hai mươi năm dài với sự cộng tác của các thi- văn- nghệ -sĩ và sự ủng hộ của đọc giả. Hơm nay chúng tôi phải ngậm ngùi chia tay cùng quý vị…
Hai mươi năm qua Ngày Mới luôn giữ cho mình chỗ đứng cá biệt …Ngoài ra, Ngày Mới đã tạo cho mình trở thành mảnh “phù sa văn hóa” nơi quê người. Mản “phù sa văn hoá” này được bồi lên thành một “Chân trời sáng tác và diễn đàn văn nghệ…” Nơi đây lần lượt nảy sinh nên những nhà thơ, nhà văn, ca sĩ, nhạc sĩ khởi bước vào làng văn-học-nghệ- thuật Việt Nam nơi xứ người….
Hai mươi năm nhìn lại, chúng tôi nghe dường như đâu đây có tiếng nghẹn ngào vọng lại của cuốn sách Việt ngữ đang khóc, những tờ báo Việt đang thở dài…ở quê người…mà trong đó có thêm cả Ngày Mới” (Trích đoạn bài Lá thư chủ nhiệm- Diễm Thy trong báo NM số 116, trang 6)

Diễm Đào

Trích đăng trong quyển “ DÒNG DỜI”


Proudly powered by Weebly
  • Home
  • Nhà Bếp Diễm Đào - RECETTES
  • Tranh - Peinture
  • Chuyen Ngan - Nouvelles
  • Trước Đèn Xem Sách- Lecture: Coups De Coeur
  • Thơ Văn - Poemes
  • Chuyện của Những Tác Giả Khác — Autres Auteurs
  • Góc Vườn Nhỏ - Un Coin de Jardin
  • Đàn Ca Nhạc Cổ Musique Traditionnelle
  • Hình Kỷ Niệm những Năm Học Gia Long- Les Photos a Gia Long
  • Contact
  • Lời Nhận Xét Của Đoc Giả
  • Nhạc Cổ Điển của Theodore Duong - Musique Classique composee par Theodore Duong